>> Phong tục ngày tết Việt Nam
>> Cách cúng lễ ngày Tết cổ truyền Việt Nam
Tục cúng Ông Táo
Thường lệ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, từ thành thị đến thôn quê, khắp nơi trong nước ta dân chúng làm lễ tiễn đưa Ông Táo. Người xưa cho rằng ngày ấy vua Bếp lên chầu Trời để tâu việc làm ăn, cư xử của gia đình trong năm. Qua đó nói lên tình cảm và lý trí của nhân dân ta đối với công việc bếp núc, nhằm đánh giá cao việc chăm sóc dinh dưỡng của đời sống con người và đánh giá lại việc ăn ở của mình trước khi bước sang năm mới.
Tục dựng cây nêu
Một cổ tục của ngày Tết Việt Nam là tục dựng cây nêu. Cây nêu là một cây tre dài chừng 2,5 đến 3m dựng trước sân nhà vào tối đêm giao thừa. Trên ngọn nêu có buộc một cái bùa bát quái vẽ trên giấy đỏ, một chiếc giỏ con đựng trầu cau và những ống sáo, những miếng kim khí lớn nhỏ... Khi có gió va chạm vào nhau chúng phát ra những tiếng leng keng nghe rất vui tai.
Ở đây chỉ riêng cái việc dựng nêu trong sân để đón ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình đã nói lên được tính dân tộc, thể hiện tình cảm "uống nước nhớ nguồn". Giỏ trầu cau treo ở cây nêu nói lên ý nghĩa lân bang, tình nghĩa xóm làng (miếng trầu là đầu câu chuyện, miếng trầu mời khách đến thăm nhà) và lòng yêu âm nhạc thể hiện ở những nhạc cụ mua vui đầu xuân treo trên ngọn nêu.
Tục chơi hoa kiểng
Hoa là linh hồn, hoa là cảnh sắc thiên nhiên trang điểm cho đời, nếu thiếu hoa thì còn gì là ngày Tết nữa. Vì vậy chưng hoa kiểng ngày Tết là một nhu cầu làm đẹp của dân tộc ta có truyền thống từ ngàn xưa, hơn nữa nó còn mang đậm nhiều ý nghĩa.
Trên bàn thờ gia tiên cắm những bông vạn thọ, trường xanh... với sắc hoa vàng rực, đã nói lên được điều ước mong của mọi người là năm mới khoẻ mạnh và trường thọ. Chưng cây hoa đào, hoa mai, với sắc đỏ thắm của đào và những cánh mai vàng rực là những ước mơ hy vọng về sự đổi mới của mọi người, của gia đình, của Tổ quốc - thể hiện phong cách lạc quan, tự tin.
Tục chưng mâm ngũ quả
Ngày Tết, ngoài các thức ăn cúng ông bà tổ tiên trên bàn thờ nhất thiết phải chưng mâm ngũ quả. Chuối là cái nền cho mâm ngũ quả, thứ đến là bưởi hoặc phật thủ, hai loại này bắt buộc phải có. Ba loại còn lại thì tuỳ loại quả có ở mỗi vùng khác nhau. Nhưng chung lại, mâm ngũ quả là những loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng, đáp ứng đủ cho nhu cầu hoạt động của con người. Vì vậy, chưng mâm ngũ quả ngày Tết là một ý nghĩa nói lên ước vọng của gia đình bước sang năm mới được no đủ.
Tục chúc Tết
Tết Nguyên đán là những ngày trang trọng, vui tươi nhất của dân tộc ta. Cũng là dịp để mọi người có điều kiện thăm hỏi lẫn nhau: con cháu thăm hỏi cha mẹ, chú bác, ông bà; học trò thăm hỏi thầy cô; gặp mặt bạn bè chúc tụng...
"Mồng một là Tết nhà cha": Sáng mồng một Tết, sau khi lễ gia tiên, người con (hoặc dâu hoặc trưởng) mời cha mẹ ngồi vào hai ghế tựa ở giữa nhà, các con cháu đứng theo thứ tự ngôi thứ: anh chị trước, các em sau, sau cùng là các cháu, mọi người đều mừng thọ và tế sống ông bà, cha mẹ bằng hai lạy và hai vái (người chết thì bốn lạy, bốn vái). Ông bà cũng mừng tuổi các con cháu bằng phong bao được gói bằng giấy hồng điều.
"Mồng hai nhà mẹ": Sáng mồng hai Tết, cha mẹ dẫn đoàn con cháu về quê ngoại chúc tết. Tuần tự lễ tưởng niệm tổ tiên: mừng thọ ông bà ngoại theo nghi thức ở nhà cha, mừng tuổi bà con thân thích bên ngoại và được mừng tuổi lại. Cả hai gia đình cùng chuyện rò vui vẻ và ăn cỗ đầu xuân, càng làm cho tình nghĩa hai gia đình thêm thắm thiết.
"Mồng một là Tết nhà cha, Mồng hai nhà mẹ..." - điều đó chứng tỏ ông cha ta rất coi trọng chữ hiếu, chọn hai ngày đầu năm để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ hai gia đình nội, ngoại vì hiếu thảo là gốc của đạo đức gia đình.
"...Mồng ba Tết thầy": Công ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng dục, công ơn thầy giáo dục tư cách đạo đức, mở mang trí tuệ cho mình, vì thế "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" đều được nhân dân ta coi trọng.
Tục chúc Tết là một nét đẹp văn hoá thể hiện được lòng quan tâm lẫn nhau, chung vui xuân và đem tặng nhau ý lành, lời ngọc và niềm hy vọng tốt đẹp cho nhau.
Sau cùng những kiêng cữ ngày Tết như: cha mẹ nhịn quở mắng, anh em nhịn cãi nhau... là những ý muốn tốt lành, nhân ái thể hiện nếp sống văn minh và gia đình có văn hoá.
Phong tục ngày xuân là những nét đẹp của đất nước, của dân tộc luôn sống mãi với thời gian. Ðây là những phong tục đẹp của nhân dân ta đã coi trọng ân sâu và thái độ ứng xử tinh tế có nghĩa, có tình trong đời sống.
Xuất hành
Đầu năm mới, người Việt còn có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần...
Thường thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu. Đối với nhà nông ngày xưa, đầu năm mới xuất hành còn để chiêm nghiệm thời tiết. Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi, người ta có thể đoán được năm mới hên hay xui, chẳng hạn:
- Gió Nam: chỉ đại hạn
- Gió Tây: chỉ cướp bóc loạn lạc
- Gió Tây Nam: chỉ bệnh dịch tả
- Gió Bắc: chỉ được mùa vừa phải
- Gió Tây Bắc: chỉ được mùa đỗ, đậu
- Gió Đông: chỉ có lụt lớn....
Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người mình còn có tục bẻ lấy một "cành lộc" để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục "hái lộc". Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si, cây xương rồng... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ Tiên.
Thú chơi câu đối Tết
Mỗi năm, khi Tết đến, từ thành thị tới các làng quê, cùng với việc mua sắm hàng Tết, dựng cây nêu, người ta không quên mua dăm quả cau, bao chè tới xin câu đối cụ Nghè, cụ Cử.
Câu đối thờ viết trên giấy đỏ dán ở cột, ở cửa nhà nội dung thường bày tỏ lòng biết ơn của cháu con đối với tiên tổ:
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên
(Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa xuân;
Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết)
Từ thời xuân tại thủ
Ngũ phúc thọ vi tiên
Ngũ phúc thọ vi tiên
Những chữ Hán được trang trí cách điệu: một bên là con rồng, một bên là con phượng trên nền giấy điểm xuyết hoa, lá, chim muông.
Những câu đối này thường kèm theo mấy chữ đại tự cũng viết trên giấy đỏ treo thành bức hoành:
"Ấm hà tư nguyên" (Uống nước sông nhớ đến nguồn); "Ðức lưu quang" (Ðức chan hoà ánh sáng).
Dịp Tết còn có các câu đối tức cảnh xuân của các bậc văn hay chữ tốt, cũng được viết trên giấy đỏ treo ở cổng. Vậy tục treo câu đối Tết có từ bao giờ? Sách xưa có kể phong tục của người dân Bách Việt, trong ngày Tết Nguyên đán theo bùa gỗ có hình hai vị thần Thần Ðồ và Uất Luỹ treo hai bên cửa ngõ. Ðó là hai vị thần sống dưới gốc đào lớn dưới núi Ðộ Sóc chuyên cai quản đàn quỷ, hễ quỷ nào "phá rào" đi làm hại dân thì thần hoá phép trừ đi. Sau này việc treo bùa gỗ "Ðào phù" được thay bằng câu đối hai bên cửa.
Ðời sống hấm khá dần, mỗi người, tuỳ hoàn cảnh, gửi gắm vào câu đối những ý tứ, những niềm vui cùng ước vọng vào một năm mới đang đến. Vào thế kỷ 15, thú chơi câu đối Tết đã trở nên phổ biến, khắp Kinh kỳ, từ dinh thự của quan lại tới các tư gia, đâu đâu cũng treo câu đối Tết.
Lại có cả cấu đối nói về nghề nghiệp dán ở cửa hàng, cửa hiệu. Tương truyền, vào một năm, sắp tới giao thừa, vua Lê Thánh Tông ra phố phường xem dân ăn tết. Thấy một nhà không treo câu đối, vua vào hỏi, biết đó là nhà một người thợ nhuộm vợ goá, con trai đi vắng, vua bèn lấy giấy bút và viết.
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ;
Triều đình chu tử tổng ngõ gia.
(Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ Ðỏ tía triều đình tự cửa ta)
Cùng với chữ Hán, nhiều danh sĩ nước ta còn viết câu đối Tết bằng chữ Nôm. Ðầu thế kỷ 20, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã sử dụng tài tình chữ viết của dân tộc, đưa cả ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào câu đối. Trong 67 câu đối hiện còn của cụ thì 47 câu đối Nôm. Ðây là cảnh Tết của một nhà nghèo mà lòng vân phơi phới sắc xuân khi giao thừa sắp đến:
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
Hiểu rõ vần xoay của tạo hoá, cụ ước ao.
Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái
Tết ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân.
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
Hiểu rõ vần xoay của tạo hoá, cụ ước ao.
Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái
Tết ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân.
Post a Comment